Những ngày qua, Việt Nam và Hàn Quốc liên tục đón nhận tin vui khi nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 khỏi bệnh và xuất viện. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng loạt trường hợp tái dương tính trở lại. Dư luận đang hoang mang khi các nhà chức trách vẫn chưa có lời giải thích chính xác cho việc này. Thông thường, những người đã có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ có kháng thể chống virus trong cơ thể nên khó có thể tái nhiễm trong thời gian ngắn như vậy.
Vào ngày 09/04, Việt Nam ghi nhận 3 trường hợp đã cho kết quả xét nghiệm âm tính và ra viện nhưng sau đó dương tính trở lại. Trong đó ca bệnh tại Quảng Ninh có kết quả xét nghiệm thất thường khi hai lần âm tính, rồi hai lần dương tính, rồi sau đó lại hai lần âm tính. Hàn Quốc cũng xác nhận có 91 bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi âm tính lại cho kết quả dương tính trở lại.
Trên đây không phải là những trường hợp tái nhiễm COVID-19 duy nhất, vào thời điểm dịch bệnh đang ở mức báo động, Trung Quốc và Nhật Bản đã ghi nhận những trường hợp khỏi bệnh và xuất viện về nhà nhưng sau nhiều ngày lại cho kết quả dương tính trở lại. Trong khi đó tại Quảng Đông, số liệu thống kê cho thấy 14% bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh nhưng sau đó lại dương tính.
Những ca tái dương tính liên tục xuất hiện làm dấy lên nhiều câu hỏi về virus này, giới chuyên gia cũng đang nghiên cứu và cố gắng đưa ra câu trả lời nhanh nhất để trấn an mọi người. Tạp chí L’Obs của Pháp trong số ra ngày 18/03 đã nêu 5 giả thuyết cho các trường hợp bị dương tính trở lại.
1/ Xét nghiệm không đủ nhạy: Tiến sĩ Keiji Fukuda, giám đốc trường Y Tế Công Cộng, Đại Học Hồng Kông đưa ra giả thuyết rằng đây chưa hẳn là tái nhiễm mà là do bệnh nhân khi xuất viện có thể vẫn còn những mảnh thụ động hoặc xác virus trong cơ thể, tuy không gây bệnh, nhưng phản ứng cho ra kết quả xét nghiệm dương tính.
2/ Bệnh nhân chưa khỏi hoàn toàn: các triệu chứng bệnh giảm nhiều khiến mọi người cho rằng bệnh nhân đã khỏi bệnh và số lượng virus ít đến mức không thể phát hiện trong xét nghiệm. Nhưng thật ra bệnh vẫn chưa khỏi hẳn và virus vẫn tiếp tục phát triển. Giống như virus gây bệnh Zika hay Ebola, virus có thể tồn tại trong cơ thể cả tháng trời dù bệnh nhân đã hồi phục. Ở Quảng Đông, Trung Quốc, bệnh nhân được chữa trị bằng kháng sinh, điều này chỉ làm giảm số lượng chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn virus trong cơ thể. Virus có thể sinh sản trở lại nếu ngưng điều trị sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
3/ Có hai chủng virus: đây là giả thuyết mà Trung Quốc đưa ra sau quá trình nghiên cứu. Theo đó, virus này có 2 chủng là chủng S lâu đời hơn với tốc độ sinh sản phát triển chậm hơn và chủng L là chủng mới. Một người có thể bị nhiễm cả hai chủng. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy sự xuất hiện của hai chủng này.
4/ Bệnh nhân có hệ thống miễn dịch yếu: Nhà dịch tễ học Caitlin Rivers ở Trung Tâm An Ninh Y Tế Johns Hopkins cho rằng nếu một người bị tái nhiễm COVID-19 thì có thể là do sức đề kháng yếu. Những người có hệ miễn dịch yếu sẽ dễ bị nhiễm bệnh nhất. Nhưng dù có như vậy thì cũng khó có thể tái nhiễm trong thời gian ngắn.
5/ Virus chuyển sang một dạng khác: điều này sẽ gây ra hậu quả tai hại nhất nhưng may mắn là vẫn chưa có nghiên cứu nào đề cập đến. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận hoàn toàn khả năng này khi virus hiện diện ở khắp nơi và có thể biến đổi theo thời gian rồi tái lây nhiễm cho những người từng nhiễm.
Nghiên cứu chỉ ra rằng virus tồn tại ở những bệnh nhân tái dương tính không có khả năng lây lan, nhưng giới khoa học và y tế vẫn cần cân nhắc cách thức ứng phó thích hợp với vấn đề tái dương tính. Nhìn chung, số người dương tính với COVID-19 đã khỏi hoàn toàn và số người bị tái nhiễm chênh lệch rất nhiều, do đó hiện tượng tái nhiễm này không đáng phải lo ngại.