Sự kiện địa chính trị là gì?
Phụ Lục
Từ ngữ “geopolitics” (địa chính trị) có nguồn gốc từ hai tiếng Hy Lạp ghép lại: Γῆ (địa) and Πολιτική (chính trị). Trong từ điển có giải thích nghĩa của địa chính trị là “nghiên cứu về ảnh hưởng của địa lý và kinh tế đến chính trị và mối quan hệ giữa các quốc gia.” Tuy nhiên, thị trường Forex lại có xu hướng đảo ngược định nghĩa này và xem xét các sự kiện chính trị (dù là trong một quốc gia hay trên toàn cầu) sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với thị trường tài chính.
Sự kiện địa chính trị bao quát rất nhiều loại hình, từ các cuộc bầu cử địa phương đến đàm phán ngân sách và trưng cầu dân ý. Có lúc các sự kiện địa chính trị diễn ra mà không gây ảnh hưởng tới thị trường Forex nhưng cũng có lúc thì lại gây ra tác động lớn.
Những sự kiện địa chính trị thường gặp
Bầu cử
Các cuộc bầu cử có thể là một sự kiện gây phấn khích sôi trào, nhưng có lúc cũng khá mờ nhạt. Cuộc bầu cử thổng thống Mỹ năm 2012 có thể được coi là một điển hình cho một cuộc chạy đua đầy quyết liệt giữa Barack Obama – người về sau đã giữ chức tổng thống và ứng viên của đảng Cộng hòa là ông Mitt Rommey. Lúc này, thị trường tài chính có quan điểm trái ngược với phần còn lại của thế giới về việc, liệu ai là người thắng cử tổng thống sẽ có lợi hơn.
Theo cuộc thăm dò của MarketWatch được thực hiện ngay trước thềm bầu cử diễn ra, thì trong tổng số 11.935 phiếu bầu chọn có 62,4% bầu cho Romney và đảng Cộng hòa, 32,9% bầu cho Obama và đảng Dân chủ, 4,6% còn lại phân vân giữa hai lựa chọn. Trái ngược với kết quả này, theo cuộc thăm dò ý kiến của độc giả trên toàn cầu xem ai nên là người trở thành tổng thống Mỹ do tạp chí The Economist thực hiện thì có 79,51% chọn ông Obama, 19,91% chọn Romney và 0,58% không rõ.
Thị trường tài chính Mỹ rõ ràng ủng hộ cho Romney. Trước thềm bầu cử tổng thống, các thành viên trong thị trường tài chính cho rằng nếu Romney lên làm tổng thống thì chính phủ sẽ nới lỏng can thiệp vào thị trường và thận trọng hơn về tài chính. Đâu đó cũng có ý kiến cho rằng việc này cũng sẽ giúp kết thúc đợt nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang, tỷ suất lợi nhuận của Trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tăng và kéo giá đồng Đô la Mỹ lên theo.
Bởi cuộc đua giữa hai ứng cử viên diễn ra vô cùng căng thẳng, các nhà giao dịch ngoại hối đã khá e dè khi giao dịch vào Ngày bầu cử (06/11/2012). Tuy nhiên thì nhờ vào kỳ vọng Romnay sẽ thắng cử mà tỷ suất lợi nhuận của Trái phiếu kho bạc và giá của đồng Đô la Mỹ cũng đã được củng cố. Không ít người đã cảm thấy thất vọng khi kết quả của cuộc bầu cử được công bố, kéo theo đó là tỷ suất lợi nhuận của Trái phiếu và giá Đô la Mỹ bắt đầu lao dốc. Sang tới cuối tháng, các nhà đầu từ trong hoảng loạn đã chuyển hướng sang các món đầu tư an toàn, từ đó lượng cầu đối với Trái phiếu kho bạc và đồng Đô la tăng lên, mặc cho lúc đó tỷ suất lợi nhuận của Mỹ vẫn đang giảm.
Tuy nhiên, các cuộc bầu cử và vụ bê bối liên quan đến các chính trị gia không phải lúc nào cũng ảnh hưởng đến Forex. Chẳng hạn như vụ bê bối Lewinsky hầu như không ảnh hưởng đến đồng Đô la Mỹ. Còn cuộc bầu cử tại Nhật Bản thì hầu như không bao giờ ảnh hưởng đến giá đồng Yên. Khi Thủ tướng Merkel được tái đắc cử vào năm 2013, một chính phủ mới đã không thực sự được thành lập trong nhiều tháng trời, ấy vậy mà đồng Euro cũng không chịu ảnh hưởng từ sự chậm trễ này.
Cú sốc mang tên Trump 2016
Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi ấy cả thế giới dường như đều muốn bỏ phiếu cho ứng cử viên của Đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton và các dự báo cho thấy bà Clinton nắm tới hơn 95% cơ hội thắng cử. Các thị trường đều im ắng trong thời điểm này và tập trung chờ đợi đợt tăng lãi suất tiếp theo từ FED.
Vậy mà trái ngược với dự đoán của cả thế giới, kết quả cuộc bầu cử lại nghiêng về phía ông Donald Trump – một cái tên được coi là tai tiếng và không đủ tiêu chuẩn để nắm quyền Tổng thống Hoa Kỳ. Ngay lúc kết quả này được công bố thì các thị trường bắt đầu lao dốc chóng mặt, trong đó chỉ số chứng khoán S&P đã giảm mất tới hơn 500 điểm còn tỷ giá của cặp EUR/USD tăng từ mức 1,0987 lên 1,1300 chỉ trong năm tiếng đồng hồ. Tuy nhiên chỉ sau một tuần thì các nhà phân tích và giao dịch lại thay đổi quan điểm của mình, lúc này họ cho rằng Trump lên làm tổng thống sẽ thực hiện cắt giảm thuế quan, dành nhiều hơn cho chi tiêu chính phủ, giảm bớt kiểm soát thị trường và nhiều chính sách ủng hộ tăng trưởng kinh tế sẽ được đưa ra.
Vậy là thị trường lại chuyển mình, không chỉ khôi phục sau đợt sụt giảm mà còn vươn lên mạnh mẽ. Kỳ vọng về việc lạm phát sẽ tăng đã dẫn tới việc tỷ suất lợi nhuận của trái phiếu kỳ hạn 10 năm được đẩy từ mức 1,828% trước ngày bầu cử lên tới 2,30% chỉ trong một tuần sau đó. Tỷ giá cặp EUR/USD cũng giảm từ mức 1,1300 về mốc 1,0760 trong tuần tiếp theo và đồng Đô la đã tăng hơn 500 điểm.
Ngân sách, Trưng cầu dân ý, v..v.
Các sự kiện trong nước có thể có tác động sâu rộng đến thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là sự kiện tại các Quốc gia thuộc G7. Đợt đàm phán về vấn đề ngân sách của Mỹ vào năm 2013 đã gây tranh cãi đến mức các nhà đầu tư toàn cầu không biết nên làm cách nào để phòng ngừa nếu kết quả tồi tệ diễn ra.
Trong thời kỳ trước khi toàn cầu và Hoa Kỳ rơi vào trạng thái không chắc chắn, thị trường cảm thấy an tâm khi mua vào Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ và đồng Đô la. Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 2013 thì mọi người bắt đầu cảm giác được rằng có thể lần này mọi chuyện sẽ khác, nhất là khi ấy vấn đề mức trần nợ đang treo lủng lẳng.Trái phiếu chính phủ của Đức và Trái phiếu chính phủ Nhật Bản lúc này trở thành đối tượng được các nhà đầu tư chuyển hướng vào, bởi vậy mà giá của các đồng tiền mạnh liên tục biến động trong biên độ nhất định.
Từ “cuộc trưng cầu dân ý” thường có xu hướng gợi nhắc tới Châu Âu, khi mà nơi đây đã chứng kiến vô số các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong nhiều năm và không ít trong số các cuộc trưng cầu này đã tạo ảnh hưởng tới toàn cầu. Cuộc trưng cầu dân ý của Đan Mạch vào tháng 9 năm 2000 về việc có nên gia nhập khu vực đồng tiền chung Euro hay không đã làm rung chuyển thị trường ngoại hối. Trước thềm cuộc trưng cầu này diễn ra, giá của đồng Euro đã giảm và lại tiếp tục giảm sau khi kết quả được công bố. Việc đồng Euro sụt giá lần này được coi là đáng lo ngại, đến mức mà vào cuối tháng 9 năm 2000, các ngân hàng trung ương toàn cầu (Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Canada và Ngân hàng Anh Quốc) đã mua vào 1,5 tỷ Euro để ngăn chặn đợt lao dốc của đồng Euro. Sự can thiệp vào thị trường Forex, đặc biệt là sự can thiệp được các nước G7 phối hợp thực hiện như trên chính là đỉnh cao của một sự kiện địa chính trị.
Trong năm 2014, cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea diễn ra đã làm thế giới chứng kiến sự bán tháo ồ ạt đối với cả đồng Hryvnias của Ukrainain và đồng Rúp của Nga. Các nhà giao dịch lúc này đổ xô sang các đồng tiền an toàn hơn là đồng Đô là Mỹ và đồng Euro. Đợt bán tháo mạnh mẽ nhất xảy ra trước thềm của cuộc trưng cầu dân ý, sau đó đồng Hryvnias và Rúp có chút tăng trở lại nhờ kết quả trưng cầu. Phía Nga đã can thiệp sớm vào quá trình để chống đỡ đồng Rúp, nhưng thật khó để xác định rằng chỉ mỗi việc này có làm ảnh hưởng tới các nền kinh tế đang lên hay không, bởi lẽ cùng lúc ấy tại Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác cũng có xảy ra can thiệp.
Vào năm 2016, khi cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra với kết quả ít ai ngờ tới, đồng Bảng Anh đã mất giá tới 10% so với đồng Đô la Mỹ chỉ trong một phiên giao dịch, phá vỡ mốc kỷ lục mất giá của cặp GBP/USD vào Ngày thứ Tư Đen tối năm 1992.
Các cuộc họp G7 và G20
Ở chiều ngược lại, các cuộc họp bán niên của nhóm G7 và G20 lại hiếm khi tạo ra “sự kiện địa chính trị”. Đã có một lần vào khoảng những năm 1990, một quan chức của Bộ Tài chính Nhật Bản đã đưa ra bình luận rằng Nhật Bản có thể rút hỗ trợ đối với đồng Đô la bằng cách bán một lượng Đô la trong dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình. Quan chức này sau đó đã phải dừng chuyến bay về nhà tại đảo Guam để xin lỗi và rút lại bình luận trên.
Tiếp đó vào những năm 2000, Bộ trưởng Tài chính John Snow kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ định chế cố định tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Đây là lần đầu tiên chủ đề này được đưa ra ở một địa điểm công cộng như vậy, và lời kêu gọi trên đã gây ra một vụ ồn ào không hề nhỏ. Không lâu sau đó, Trung Quốc thực sự đã hủy bỏ cố định tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Có tác động mạnh mẽ hơn thường là các cuộc họp bán niên của IMF, tại đây đưa ra các dự báo kinh tế cho mọi quốc gia và khu vực trong một báo cáo có tên là “Triển vọng kinh tế thế giới”. Đây vốn là một báo cáo kinh tế định kỳ và không nên được coi là một sự kiện địa chinh trị. Tuy nhiên, trong các năm gần đầy thì IMF đã tự do bình luận về các vấn đề chính trị, về sự thiên vị và hành vi của ngân hàng trung ương, chỉ trích cả Ngân hàng Nhật Bản và ECB vì để cho tình trạng giảm phát phát triển. Các bình luận bên lề trong các cuộc họp của G7, G20 và IMF thường mang tính địa chính trị, ngay cả khi tầm quan trọng của các bình luận trên có thể không quá đáng kể.
Uy hiếp vũ lực và chiến tranh
Bất kỳ đề xuất nào về xung đột quân sự đều có xu hướng làm cho nhà đầu tư toàn cầu e ngại mạo hiểm và đổ xô vào các phương án đầu tư an toàn.
Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ là thị trường trái phiếu có tính thanh khoản và sâu rộng nhất trên toàn thế giới, bởi vậy cũng chẳng bất ngờ khi Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ trở thành món hàng hot bỏng tay mỗi khi thị trường xuất hiện sự không chắc chắn. Tuy nhiên thì không phải lúc nào lượng cầu gia tăng đối với Trái phiếu Hoa Kỳ cũng là có ích đối với đồng Đô la Mỹ, bởi lẽ các nhà đầu tư trên toàn cầu có thể chỉ là đang muốn luân chuyển tiền ra khỏi cổ phiếu và các phương tiện tài chính khác để tập trung sang trái phiếu mà thôi và như vậy thì sẽ không gây tác động lên thị trường ngoại hối được.
Mặc khác, đồng Đô la Mỹ cũng không phải lúc nào cũng là kẻ thua cuộc khi có leo thang quân sự. Vào tháng 10 năm 2006, khi Triều Tiên vừa mới tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân và Liên Hợp Quốc đáp lại hành động này bằng cách thiết lập các lệnh trừng phạt chính trị thì đã khiến cho tỷ giá đồng Won của Hàn Quốc giảm mạnh.
Tuy nhiên thì đồng Yên – vốn được coi là đại diện cho các tiền tệ Châu Á kém thanh khoản hơn lại mới là đối tượng gánh chịu nhiều áp lực hơn so với đồng Đô la Mỹ, tỷ giá của cặp USD/JPY cũng tăng sau sự kiện này. Khi Triều Tiên quay trở lại cuộc Hội đàm giữa Sáu bên vào vài tuần sau đó, cổ phiếu Hàn Quốc và đồng Won (đồng thời cả đồng Yên) đã tăng trở lại.
Giọt nước tràn ly
Có những lúc một số sự kiện địa chính trị xảy ra đồng thời và khiến thị trường tài chính trở nên rủi ro vô cùng. Vào tháng 9 năm 2006, thị trường đã lo lắng về các hiệu ứng lan tỏa có thể xảy ra, xuất phát từ việc quỹ Amaranth Adviors thiệt hại nặng nề (6 tỷ Đô la) khi đầu tư vào thị trường khí đốt tự nhiên. Đồng thời, một vụ bê bối mới ở Brazil liên quan đến khoản viện trợ của Tổng thống Luiz Inacio “Lula” da Silva đã diễn ra và cả những mối lo ngại về việc Ecuador sẽ vỡ nợ.
Các nỗ lực để đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại chống lại Trung Quốc và một cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan cũng làm “thêm dầu vào lửa”. Ngoài ra, việc Bovespa của Brazil đã giảm mạnh, và đã có cuộc di cư trên diện rộng ra khỏi thị trường Mỹ Latinh nói chung. Thị trường châu Á đã bị chao đảo. Đây là một ví dụ điển hình về hiệu ứng lan tỏa, theo đó toàn bộ khu vực (thị trường mới nổi) có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển ở một vài quốc gia, nhưng sự kiện tại “một vài quốc gia” này lại được xem là “giọt nước tràn ly”. Trong trường hợp này, và thực tế trong hầu hết các trường hợp khi các thị trường mới nổi trông rủi ro hơn bình thường, đồng Đô la sẽ tăng giá do các nhà đầu tư có nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn.