Giám đốc tài chính của Huawei Technologies Co Ltd – Meng Wanzhou đã trở lại tòa án Vancouver vào hôm qua (28/9) để đấu tranh cho việc dẫn độ bà sang Hoa Kỳ. Các luật sư của Meng lập luận rằng bà chỉ cần đưa ra bằng chứng hỗ trợ để bổ sung thêm cáo buộc Hoa Kỳ lạm dụng quy trình, cung cấp thông tin không đầy đủ cho các nhà chức trách Canada gây ra hiểu lầm đối với trường hợp của cô.
Meng (48 tuổi), đã bị bắt vào tháng 12 năm 2018 theo lệnh của Hoa Kỳ khi buộc tội cô gian lận ngân hàng vì đã gây hiểu lầm cho HSBC HSBA.L khi lén lút giao dịch với Iran bằng cách sử dụng công ty bình phong của Huawei là Skycom, cố gắng lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran 10 năm trước.
Phía chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc rằng Meng đã đánh lừa HSBC về bản chất thực sự của mối quan hệ giữa Huawei với Skycom và điều này khiến ngân hàng có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Hôm qua, phiên tòa đầu tiên đã được tổ chức sau nhiều tháng chính phủ Canada ra lệnh cho vị giám đốc tài chính của Huawei ở lại Vancouver cho đến khi việc dẫn độ được giải quyết.
Các cuộc điều trần được gọi là Vukelich dự kiến sẽ kéo dài đến thứ 4 (30/9) nhằm mục đích giúp thẩm phán quyết định liệu rằng những lời buộc tội của Meng có phải “không đúng thực tế” hay là có cơ sở và cho phép người bào chữa tranh luận về cáo buộc bổ sung.
Meng Wanzhou – Con gái của tỷ phú sáng lập Huawei Ren Zhengfei đã nói rằng cô vô tội và đang chống lại việc bị dẫn độ sang Hoa Kỳ, khi đang bị quản thúc tại gia ở Vancouver.
Scott Fenton, luật sư của Meng nói trước tòa rằng phiên điều trần không nhằm mục đích “kiểm tra chi tiết” cáo buộc, chỉ xem xét “khả năng thực tế” của những cáo buộc. Ông cho biết Meng và Huawei đã không nói dối và thay vào đó đã cung cấp cho HSBC tất cả thông tin cần thiết để đánh giá rủi ro, trái với cáo buộc của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc đã lên án hành động dẫn độ của Hoa Kỳ là mang tính chính trị một cách trần trụi. Trong khi thủ tục pháp lý diễn ra, tác động của vụ việc đã lan rộng ra rất nhiều.
Việc bắt giữ một nhân vật kinh doanh cấp cao như vậy đã dẫn đến sự tức giận ở Trung Quốc, và trong tháng này, đại sứ nước này cho biết Canada đã bị Hoa Kỳ “lợi dụng” và trở thành “đồng phạm” khi Washington thực hiện một “hành động bắt nạt man rợ” .
HSBC đã bị đặt vào tình thế khó khăn khi truyền thông Trung Quốc đặt câu hỏi về việc ngân hàng này đã hợp tác với Mỹ đến đâu trong việc xây dựng một vụ việc mà họ mô tả là một cái bẫy chính trị.
Vụ việc cũng đặt ra những câu hỏi lớn hơn về việc quốc gia nào có thể bắt giữ giám đốc điều hành doanh nghiệp nếu họ nhận được yêu cầu từ Hoa Kỳ. Điều đó có thể khiến các giám đốc điều hành Huawei lo lắng và hạn chế việc đi lại của họ, đồng thời cũng gây lo ngại cho các chính phủ có thể bị kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Và nó đã dẫn đến lo ngại rằng các doanh nhân phương Tây và các du khách khác có thể bị Trung Quốc giam giữ để sử dụng làm con bài thương lượng.
Hai người Canada Michael Kovrig – một cựu nhà ngoại giao và Michael Spavor – một doanh nhân bị buộc tội làm gián điệp đã bị chính phủ Trung Quốc bắt giữ vài ngày sau khi bà Meng bị bắt. Trung Quốc đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào, nhưng việc giam giữ cặp đôi được hiểu rộng rãi là phản ứng trả đũa đối với việc bắt giữ bà Meng.