Để lên được bậc chuyên gia trong lĩnh vực forex thì nhà đầu tư cần trang bị cho mình nhiều kiến thức thị trường, hiểu rõ mình đang làm gì và tránh lặp lại những lỗi giao dịch đã từng mắc phải. Nhưng ngoài những lỗi giao dịch đến từ bản thân nhà đầu tư thì cũng có những sự cố được gọi là lỗi kỹ thuật từ sàn forex. Đó là những lỗi gì và gây thiệt hại như thế nào đến nhà đầu tư?
Phụ Lục
Tốc độ xử lý lệnh trễ:
Tốc độ xử lý lệnh hay còn được biết đến với tên gọi là tốc độ khớp lệnh, là thời gian từ khi nhà giao dịch bấm đặt lệnh cho đến khi lệnh được báo đã khớp trên hệ thống. Thời gian này có thể rất nhỏ chỉ vài phần ngàn của 1 giây đến hàng chục giây. Chỉ với chênh lệch tốc độ ngắn ngủi đó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhà giao dịch.
Tốc độ vào lệnh chậm sẽ dẫn đến khả năng bị trượt lệnh diễn ra cao hơn. Đây là lý do vì sao nhà giao dịch luôn quan tâm đến tốc độ khớp lệnh khi chọn nhà môi giới.
Ví dụ dễ hiểu: Khi nhà đầu tư bấm nút đặt lệnh mua 1 cặp tiền tệ với giá 1.3010. Lệnh được truyền về nhưng vài giây sau sàn vẫn chưa xử lý lệnh của bạn. Nếu trong thời gian đó, giá giảm xuống 1.3007 và lệnh khớp ngay thời điểm này thì tức là bạn đã lỗ 3 pips.
Đó chính là “tiểu xảo” của một số sàn đối với nhà giao dịch không có nhiều kinh nghiệm, chưa nhận biết được sự quan trọng của tốc độ khớp lệnh. Tuy nhiên, lỗi này không phải lúc nào cũng do nhà môi giới, không có sàn forex nào sẽ khớp lệnh hoàn hảo và còn tùy thuộc vào điều kiện của thị trường. Dù vậy chúng ta phải chú ý đến tốc độ khớp lệnh khi chọn sàn giao dịch.
Chi phí ẩn:
Các nhà đầu tư thường chỉ quan tâm đến phí Spread và phí hoa hồng của nhà môi giới cung cấp mà bỏ quên một số chi phí “nhỏ lẻ” khác. Những chi phí ít được công khai này cuối cùng lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận mà bạn nhận được.
Một trong những chi phí lớn nhất nhưng được “che giấu” tốt nhất là chi phí chuyển đổi ngoại tệ. Các nhà môi giới thường sẽ tính phí chuyển đổi tiền tệ nếu bạn có công cụ giao dịch được định giá bằng loại tiền khác với loại tiền trong tài khoản của bạn.
Có một số sàn sẽ thu phí khi sở hữu tài khoản đối với nhà đầu tư. Loại phí này được nhà môi giới giải thích để duy trì nền tảng giao dịch, hỗ trợ dịch vụ khách hàng,… và được gọi với danh nghĩa là phí duy trì tài khoản. Dù bạn có đang sử dụng tài khoản đó hay không thì vẫn phải chịu mất phí nếu tài khoản vẫn còn hoạt động.
Bên cạnh đó lại có một loại chi phí khác gọi là phí không hoạt động áp dụng cho các khách hàng không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trong trong một khoảng thời gian mà sàn quy định và có số dư tài khoản giao dịch dương.
Thông tin về các chi phí được đề cập ở trên không phải lúc nào cũng được công khai, bạn nên chủ động kiểm tra các loại phí này với nhà môi giới trước khi mở tài khoản.
Tự cắt lệnh giao dịch:
Tự cắt lệnh giao dịch chính là lỗi nhà môi giới tự động cắt lệnh của khách hàng mặc dù chưa chạm đến mức stop loss dẫn đến những thiệt hại về lợi nhuận.
Lỗi này nếu không do khách hàng đặt stop loss hoặc tiền ký quỹ không đủ thì nguyên nhân hoàn toàn từ hệ thống kỹ thuật của sàn. Khi giao dịch đang diễn ra suôn sẻ và phần lời thu về vẫn đang tăng lên thì hành động tự cắt lệnh đột xuất của sàn tất nhiên gây nên tâm lý nghi ngờ sàn lừa đảo ở khách hàng.
Những sàn forex không uy tín sẽ lợi dụng và thao túng lệnh của khách hàng, dẫn đến việc khách hàng bị mất đi phần lời một cách vô lý.
Lỗi nạp rút tiền:
Một lỗi khác mà nhiều nhà đầu tư cũng hay gặp nhất là lỗi nạp/rút tiền. Loại lỗi này chỉ loanh quanh những vấn đề như yêu cầu nạp/rút của nhà giao dịch bị từ chối, không nhận được tiền rút trả về tài khoản,… Nguyên nhân dẫn đến những lỗi này có thể đơn giản từ việc thông tin không chính xác, số dư không đủ, sai mã xác minh,… đến các lỗi lớn hơn như lỗi hệ thống.
Những lỗi này đều được dịch vụ chăm sóc khách hàng của sàn hỗ trợ giải quyết nhưng trước hết bạn nên tự kiểm tra lại tài khoản và quá trình nạp/rút của mình xem đã chính xác chưa.
Lỗi từ IB:
IB là viết tắt của Introducing Broker – người môi giới. Đúng như tên gọi, vai trò của IB là giới thiệu khách hàng mở tài khoản tại một sàn giao dịch và được sàn trả 1 phần hoa hồng từ khoản phí mà sàn thu của khách.
IB là người hỗ trợ, hướng dẫn phương pháp cho khách hàng nhưng đâu đó cũng có những IB xấu giới thiệu sàn không uy tín. Những IB xấu này chỉ cố gắng dẫn dắt khách hàng vào lệnh càng nhiều càng tốt dù có cháy tài khoản đi nữa mục đích để họ nhận được nhiều hoa hồng nhất có thể.
Lỗi xuất phát từ IB thường do trường hợp các khách hàng chưa hiểu rõ về forex nhưng vẫn bỏ tiền đầu tư và hoàn toàn giao dịch theo lời của IB. Nhà đầu tư nên tự chịu trách nhiệm về túi tiền của mình, phải biết phân tích đúng sai và giao dịch theo sức mình.
Lời kết:
Qua bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ đến các nhà đầu tư những lỗi kỹ thuật hay gặp phải trong quá trình giao dịch forex. Các bạn có thể thấy tất cả những lỗi này đều có xuất phát điểm từ nguyên nhân chính là sàn giao dịch không uy tín nên thường xuyên xảy ra những sự cố mờ ám dẫn đến thua lỗ của khách hàng. Mỗi nhà đầu tư tốt hơn hết nên tự trang bị đầy đủ những kiến thức giao dịch cần có và sáng suốt trong quá trình lựa chọn nhà môi giới tránh bị mất tiền oan. Chúc mọi người có một ngày giao dịch thành công.